Cách đây hơn 20 năm, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 28/6 là
Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành cùng
toàn thể gia đình quan tâm, xây dựng gia đình bình đẳng, no ấm, tiến bộ, hạnh
phúc, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Từ đó đến nay, Ngày Gia đình Việt
Nam luôn là dịp để nhắc nhở về giá trị mái ấm gia đình, cái nôi nuôi dưỡng tâm
hồn, nhân cách mỗi người từ tấm bé và là nơi để trở về mỗi khi buồn vui, thành
công hay thất bại trong cuộc sống.
Xây dựng văn hóa gia đình là một trong những mục tiêu quan trọng của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Xã hội thay đổi, mô hình và giá trị gia đình cũng có nhiều thay đổi. Một số giá trị truyền thống vẫn được đề cao. Nhưng cũng có giá trị đang bị mai một, đồng thời với những giá trị mới xuất hiện. Việc giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình trong thời kỳ mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước. Đảng ta luôn xác định xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn và chuẩn mực con người, gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Tiếp theo đó, hệ giá trị gia đình Việt Nam đã được đúc kết qua bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cần xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại… Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam - ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.
Tuy cuộc sống có muôn vàn mối quan tâm thì người Việt Nam dù ở bất kỳ cương vị nào trong xã hội cũng đều đặt gia đình là ưu tiên hàng đầu, có thể thấy gia đình đã, đang và sẽ là một trong những giá trị quan trọng của người Việt Nam.
TH: Nguyễn Thị Hường