TĂNG CƯỜNG PHÒNG CHỐNG BỆNH DẠI: THỰC HIỆN “5 KHÔNG”
Trong những năm qua với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong huyện đã từng bước nâng cao tỷ lệ tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn gia súc, gia cầm; tuy nhiên tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo ở huyện nhà chỉ đạt dưới 50%. Hiện nay trước những diễn biến phức tạp của bệnh dại; tỷ lệ tiêm phòng chưa đạt miễn dịch quần thể; tập quán nuôi chó, mèo thả rông của người dân dẫn đến nguy cơ bùng phát bệnh.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh Dại tiến tới khống chế và thanh toán bệnh dại, phấn đấu không có trường hợp người bị tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030; UBND huyện chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tăng cường công tác quản lý đàn chó, mèo; tổ chức lập sổ quản lý, thống kê, cập nhật thông tin về đàn chó nuôi trên địa bàn; thành lập các đội chuyên trách để tiêm phòng, bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh dại; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi. Tổ chức tiêm phòng đại trà vào tháng 3 - 4 và tháng 9 - 10 hàng năm. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân về công tác tiêm phòng, sự nguy hiểm của bệnh dại và biện pháp phòng tránh lây nhiễm sang người; tránh xảy ra việc người bị chó cắn không đi điều trị dự phòng mà đi thử thầy Lang dẫn đến tử vong; thực hiện nguyên tắc “5 không” 5 không: Không nuôi chó mèo không tiêm phòng dại; không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương; không nuôi chó thả rông; không để chó cắn người; không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó là tiêm vaccine dự phòng bệnh dại cho những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với virus dại như cán bộ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với virus dại, người làm nghề giết mổ chó, người dân và những người đi du lịch đến các khu vực lưu hành bệnh dại...
Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm.
Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là: Sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn dến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỉ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật.
Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại. Tiêm vaccine dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng chống bệnh dại.